News

6/recent/ticker-posts

Trung Quốc nhanh chóng bơm tiền cho ngân hàng giữa khủng hoảng Evergrande

Ngày 22-9, Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc (PBOC) đã tuyên bố bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính của Trung Quốc trong ngắn hạn, sau khi thị trường toàn cầu chao đảo vì cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn China Evergrande.

Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc (PBOC) - Ảnh: REUTERS

Đúng như kỳ vọng của giới đầu tư, PBOC đã có động thái nhằm xoa dịu thị trường giữa cuộc khủng hoảng của Evergrande.

Theo Hãng tin Bloomberg, PBOC đã bơm 120 tỉ NDT (khoảng 18,6 tỉ USD) vào hệ thống ngân hàng của Trung Quốc thông qua các thỏa thuận mua lại nghịch đảo (RPP), tức mua tài sản với thỏa thuận sẽ bán chúng với giá cao hơn vào một ngày cụ thể trong tương lai.

Với động thái này, PBOC đã bơm ròng 90 tỉ NDT (khoảng 13,9 tỉ USD) vào hệ thống tài chính của mình.

Con số này ngang bằng với lượng tiền PBOC bơm vào hệ thống nhà băng của họ hôm 17-9, và gần bằng khối tiền ngân hàng trung ương này tung ra hôm 18-9.

Tinh thần của giới đầu tư trở nên lạc quan hơn sau khi Tập đoàn bất động sản Hengda - một đơn vị kinh doanh bất động sản của Evergrande - thông báo sẽ thanh toán lãi trái phiếu trong nước đúng thời hạn ngày 23-9.

“PBOC bơm ròng số tiền này có thể nhằm mục đích xoa dịu tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường lo sợ về Evergrande”, ông Eugene Leow - chiến lược gia của Ngân hàng DBS (Singapore) - nhận định.

Ông Leow cho rằng, bên cạnh việc giữ thị trường trật tự, Trung Quốc còn cần ngăn cuộc khủng hoảng của Evergrande ảnh hưởng đến nền kinh tế thực và các lĩnh vực khác.

Vấn đề cấp bách ông Leow nhắc đến đã được thể hiện qua việc các loại chứng khoán liên quan tới Trung Quốc trên khắp thế giới rớt giá liên tiếp trong vài ngày qua.

Theo Bloomberg, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục đã giảm 1,9% trong ngày 22-9. Hôm 20-9, chỉ số Hang Seng China Enterprises tại Hong Kong đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 tháng qua.

Các loại chứng khoán này vẫn mất giá ngay cả khi nhiều chuyên gia lên tiếng trấn an rằng Evergrande sẽ không kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, giống như Tập đoàn Lehman Brothers vào năm 2008.