Cựu cảnh sát cơ động dùng hàng loạt thủ đoạn gian dối trong mua bán kit test Covid-19, đổi tiền mới, tham gia xây dựng trụ sở công an…, qua đó chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng.
Ngày 24.2, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Việt (30 tuổi, trú tại TP.Phủ Lý, Hà Nam) 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Việt vốn là cán bộ cảnh sát cơ động. Do cần tiền chi tiêu và trả nợ cá nhân, bị cáo Việt nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của người khác thông qua hình thức kêu gọi góp vốn kinh doanh que test Covid-19, đổi tiền cũ sang tiền mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan.
Để thực hiện kế hoạch, bị cáo Việt giới thiệu mình là cán bộ CSGT thuộc Công an TP.Hà Nội, sắp được bổ nhiệm chức vụ "đội phó đội phạt nguội". Việt quen biết với nhiều người trong ngành công an và ngân hàng, có thể xin đấu thầu dự án xây dựng hoặc bán kit test cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật tại nhiều tỉnh, thành…
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 8 - 12.2021, bị cáo Việt lừa của 6 người với tổng số tiền hơn 19,5 tỉ đồng. Đến nay, bị cáo trả lại gần 11,2 tỉ đồng, còn chiếm đoạt hơn 8,3 tỉ đồng.
Trong số các bị hại, ông T.V.Đ (trú tại Hà Nam, bạn học của chị gái Việt) là người bị lừa nhiều nhất với hơn 9,6 tỉ đồng. Do quen biết từ trước, bị cáo Việt nói với ông Đ. rằng mình đang kinh doanh que test Covid-19 dưới hình thức mua rồi bán lại cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật, giá chênh lệch 5 triệu đồng/thùng. Việt rủ ông Đ. tham gia góp vốn, nếu đồng ý thì chỉ sau 1 - 2 ngày sẽ nhận lại tiền gốc và lợi nhuận lớn. Mọi hoạt động kinh doanh Việt sẽ chịu trách nhiệm.
"Trả lại tiền" để lấy lòng tin
Tin lời, ông Đ. nhiều lần chuyển cho bị cáo Việt với tổng số hơn 9,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Việt không kinh doanh kit test như đã hứa hẹn mà chi tiêu cá nhân và trả nợ.
Để ông Đ. tin tưởng và đưa tiền trong thời gian dài, Việt nhiều lần chuyển tiền ngược lại tài khoản ông Đ., với tổng số hơn 8,5 tỉ đồng, nói rằng đây là lợi nhuận từ việc mua bán kit test. Đến nay, còn gần 1,1 tỉ đồng Việt chưa trả cho ông Đ., do đó ông này làm đơn tố giác đến cơ quan công an.
Một bị hại khác là ông L.T.T (43 tuổi, trú tại Hà Nội) được Việt cho biết Công an TP.Hà Nội đang chuẩn bị xây dựng lại trụ sở Công an Q.Nam Từ Liêm và Công an Q.Bắc Từ Liêm.
Việt giới thiệu mình có nhiều mối quan hệ, có thể tham gia các dự án trên, rủ ông T. góp vốn. Nếu đồng ý, ông T. chỉ cần đưa tiền, Việt sẽ đi quan hệ và lo giấy tờ xây dựng, lợi nhuận chia đôi.
Tưởng là thật, ông T. nhiều lần chuyển khoản cho Việt với tổng số gần 5,9 tỉ đồng. Nhận tiền, Việt chuyển lại hơn 1,2 tỉ đồng cho vợ chồng ông T., nói đây là tiền có được từ việc góp vốn. Số còn lại, Việt dùng để trả cho các cá nhân bị lừa trước đó.
Đến tháng 9.2022, chờ mãi mà dự án không được triển khai, ông T. nghi ngờ Việt nên đã làm đơn trình báo cơ quan công an.
Hay như trường hợp ông Đ.V.T (trú tại Hà Nội). Việt nói với ông T. rằng mình quen biết nhiều ngân hàng, có thể đổi tiền mới, với các mệnh giá từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng.
Tháng 11.2021, Việt nhắn tin cho ông T., thông báo có tiền lẻ trong kho, ngân hàng đang cho xả hàng cũ và hỏi ông T. có muốn đổi tiền mới không. Để tạo lòng tin, Việt tải hình ảnh trên mạng internet các cọc tiền mới có đủ loại mệnh giá nhỏ và gửi cho ông T. xem.
Bằng thủ đoạn này, Việt được ông T. nhiều lần chuyển tiền với tổng số 1 tỉ đồng. Nhận tiền, Việt không thực hiện như cam kết. Khi ông T. thúc giục thì bị cáo lấy lý do đang bị truy vết vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19 nên không được ra khỏi nhà, hoặc gia đình có người mất nên không thể gặp…
Tháng 1.2022, sau nhiều lần yêu cầu trả tiền nhưng Việt không trả, ông T. gửi đơn tố giác hành vi lừa đảo của bị cáo này.