News

6/recent/ticker-posts

Xóm chài sông Lô và nỗi khắc khoải khi Tết đến xuân về

Hơn chục mái chòi được phủ bạt xanh loang lổ, vách là những phên gỗ tạp được dựng lên bị hở toang hoác, nổi bập bềnh trên thùng phuy phủ đầy gỉ sắt và những tấm xốp cáu bẩn.
“Thế giới” của mấy chục con người sống dưới mức thấp nhất của TP. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vẫn đang khắc khoải mỗi độ xuân về.

Bao mùa xuân lênh đênh trên sóng nước

Chúng tôi tìm đến xóm chài bên bờ sông Lô đoạn chảy qua phường Minh Xuân, TP. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) vào một ngày cuối năm 2015. Khi hỏi đường về phường Minh Xuân, anh xe ôm dáng khắc khổ, khuôn mặt đen nhẻm, nhíu mày, tỏ vẻ ái ngại về quãng đường đến đó. Và dù đã cẩn thận nhờ người chỉ đường nhưng chúng tôi vẫn phải mất hàng tiếng đồng hồ lần mò qua nhiều con ngõ ngoằn ngoèo trên đường Trần Hưng Đạo mới tìm được một ngách nhỏ, vừa lọt cho người đi bộ nối xuống xóm chài. Đến nơi, trước mặt chúng tôi chỉ là vài luống rau của người dân bãi bồi. Đó là rau để họ thu hoạch bán Tết.
Ngay giữa trung tâm TP. Tuyên Quang nhưng ít ai biết rằng gần 20 nóc nhà đó chính là nơi cư ngụ của gần 100 nhân khẩu đang ngày ngày lênh đênh cùng sông nước. Họ không một tấc đất cắm dùi, phải sống trên những chiếc thuyền nhỏ bé. Từ lâu, những con người chung một cảnh ngộ tạo thành xóm chài mưu sinh cùng dòng nước lúc đầy, lúc cạn. Cuộc sống của họ như một mảng màu trầm trong cuộc sống muôn sắc màu. Nó giống như một thế giới khác, tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động ở giữa phố phường nhộn nhịp.
Chẳng ai nhớ nổi bao nhiêu mùa xuân, cuộc sống của những con người ấy đã dập dềnh theo sông nước. Có gia đình đã 4, 5 đời gắn bó cùng dòng sông Lô. Giữa dòng lênh đênh vô định ấy có cả những cụ ông, cụ bà đã sống cả cuộc đời với sông nước cho đến khi “nhắm mắt, xuôi tay”.
Lúc chúng tôi đến thăm xóm chài thì khắp nơi, không khí Tết đã rất nhộn nhịp. Ở các con phố hay quảng trường, hàng trăm chậu hoa đã được trang hoàng. Tuy nhiên, cuộc sống của dân chài thì vẫn không có gì thay đổi. Nhiều người dân còn phải tìm cách di tản đến nơi khác để có thể bắt được nhiều cá. Ông Nguyễn Văn Hòa, cư dân nhà chài số 5 thuộc xóm chài Minh Xuân, kể: “Tôi năm nay 57 tuổi thì cũng ngần ấy năm sống cùng sông nước. Bố mẹ, ông bà tôi cũng đều gắn bó với nơi ở nửa thuyền, nửa nhà này. Nhiều khi nhìn cuộc sống trên bờ tấp nập mà thèm. Chỉ thương bọn nhỏ, mang tiếng là sống ở thành phố nhưng hoàn cảnh khác xa với chúng bạn trên bờ. Mỗi độ xuân về, chúng tôi lại chạnh lòng vì chưa cho bọn trẻ một cái Tết đúng nghĩa. Người ta thì mong đến Tết, còn chúng tôi cảm thấy sợ mỗi khi xuân về”.
Gia đình ông Vũ Ngọc Tư (65 tuổi), nhà bè kế bên nhà ông Hòa cũng là một hộ chuyên đi đánh cá sông Lô dài ngày. Nói chuyện với chúng tôi bằng giọng trầm buồn, ông Tư bảo: “Vào mùa nước lên, tôi và con trai đầu đi đánh cá ở dọc sông Lô có khi cả tháng mới về. Ở nhà, mẹ già và bốn đứa sau chỉ một tay vợ tôi chạy vạy chăm sóc. Nhiều lúc tôi nghĩ, thật tội cho bà ấy. Đối với dân làng chài, cuối năm không tích cực đánh bắt kiếm tiền thì coi như không có Tết”.
Ông Tư cho biết thêm, để chạy theo luồng cá có khi thuyền của ông phải ngược dòng xuống tận mạn Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Tuy phải vất vả lênh đênh nhưng đó chính là cơ hội duy nhất để mưu sinh. “Cả tháng xa nhà, nếu may mắn, mỗi ngày chúng tôi có thể kiếm được vài trăm ngàn. Nhưng có khi thất bát, cả gia đình lại rơi vào cảnh thiếu đói. Cái Tết cũng bấp bênh, chỉ trông chờ vào nguồn thu đó”, ông Tư chia sẻ.
Được biết, cư dân ở đây đều là dân tứ xứ. Họ cùng về cư ngụ một góc sông tạo thành xóm, sống bằng nghề chài lưới và chở đò. Một số cư dân khác thì làm thuê, làm cửu vạn, đánh giày ở các bến xe...

Ước vọng của những người tha hương

Tết của trẻ con thành phố tràn ngập trong kẹo bánh, đồ chơi và xúng xính quần áo mới. Nhưng với trẻ con ở xóm chài, những thứ đó được coi là xa xỉ. Thậm chí khi PV hỏi đến pháo hoa, nhiều đứa trẻ còn ngây ngô bảo rằng: “Cháu chưa nhìn thấy pháo hoa bao giờ, chỉ khi nào lên bờ chơi mới thấy ở trong tivi”.
Xóm chài sông Lô và nỗi khắc khoải khi Tết đến xuân về - Ảnh 2

Bữa cơm đơn giản của dân chài.

Ở cái xóm này chỉ có một khu đất nhỏ gần bờ được bố mẹ các em tận dụng để làm sân chơi chung. Họ vẫn nói vui với nhau rằng đó còn là phương tiện để lũ trẻ “thực hành”. Một vài đứa nghịch ngợm lấy xốp vụn nhét thật chặt vào túi ni lông rồi cuộn tròn làm bóng đá. Số khác lại lấy những thanh gỗ còn thẳng, kẹp thêm hai miếng xốp rồi cắm thêm cái túi nilon làm buồm. Như vậy là chúng đã có được một chiếc thuyền “tự chế” thay cho những đồ chơi đắt tiền, đẹp mắt mà chúng chỉ dám nhìn rồi ước ao.
Khi PV hỏi về ước muốn của bản thân, bé Thanh Huyền (học lớp 6) trả lời: “Em chỉ ước mình được lên bờ sống như các bạn cùng lớp. Để bố mẹ và các em thoát khỏi sự ám ảnh khi mỗi sáng thức dậy thò chân ra lại chạm phải nước”. “Vậy em ước mơ gì trong Tết này?” – PV hỏi. “Em muốn gia đình mình có một cái Tết nhiều đồ ăn. Chúng em có quần áo, đồ chơi mới. Thường ngày tiền bố mẹ em kiếm được dành dụm để mấy chị em đi học ở trong phố. Tết đến bố mẹ chỉ mua thịt lợn và gói thêm bánh chưng thôi. Quần áo thì chúng em được mấy bạn trong lớp cho. Bộ nào còn mới, em giặt sạch rồi cất kỹ, Tết mới đem ra mặc”, Huyền trả lời.
Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hạnh – một phụ huynh ở xóm chài này cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ khoảng từ rằm tháng Chạp, cư dân xóm thuyền chài đều nhận được quà Tết từ những tấm lòng thiện nguyện. Năm ngoái có cả nhóm sinh viên đi xe máy từ Hà Nội lên tặng quà chia sẻ với xóm chài”.
Cũng theo người mẹ này, vì cái nghèo đeo đẳng nên 16 năm nay chị và con cái chưa có dịp về quê thăm họ hàng. Mộ phần ông bà, mẹ và em trai ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) cũng không có điều kiện thăm nom. Nghe hàng xóm dưới quê gọi điện lên báo rằng vùng nghĩa địa đó sắp bị giải tỏa. Biết vậy nhưng cũng không về được vì chẳng có tiền.
Nói đến đây chúng tôi thấy khóe mắt chị ngấn lệ. “Thất lễ, bất hiếu thì tôi cũng đành chịu, bởi khi việc lo đủ hai bữa ăn hàng ngày còn chật vật, lấy đâu ra tiền mà đi lại. Ngày mùng 1 Tết, nếu năm nào trời thương cho đánh bắt được nhiều cá thì gia đình tôi có mâm mặn lễ vọng tổ tiên, còn không thì chỉ có chút hoa quả gọi là tấm lòng thành. Gần 20 nóc bè ở đây, chẳng ai có điều kiện để đốt vàng mã, quần áo cúng tiến Táo quân, tổ tiên”, chị Hạnh nói.
Ước mơ cuộc sống trên bờ
Hiện tại, ngay cả chính quyền địa phương cũng rất ái ngại và không dám cấp điện cho các hộ dân chài vì điều kiện của họ không đảm bảo an toàn. Khi được hỏi về ước muốn của mình, anh Vũ Văn Đạt (con trai ông Tư), chỉ mong muốn có được một căn nhà nhỏ trên bờ để cho bà nội năm nay đã gần 90 tuổi có chỗ nghỉ ngơi. Đạt kể: “Tuần trước nước lớn, thuyền bị chìm, cha em phải lội nước cứu bà lên bờ. Giờ nghĩ đến, em vẫn chưa hết sợ”.