News

6/recent/ticker-posts

Bí thư Thăng: Mấy cha DN vi phạm, sao không đối thoại?

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho rằng, làm công đoàn phải đi vào thực chất, không dừng ở những khẩu hiệu, báo cáo phải mang hơi thở cuộc sống.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng dự buổi làm việc sáng nay của Tổng Liên đoàn lao động (TLĐLĐ) Việt Nam với LĐLĐ TP.
Nhiều vấn đề đặt ra khi thảo luận xung quanh báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 11 và nghị quyết đại hội Công đoàn TP lần thứ 10, trong đó có vấn đề chủ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn, nợ bảo hiểm, lương của công nhân, lao động.
Phó chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính muốn truy tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong 3 tháng qua, với bao nhiêu DN nợ và tổng nợ bao nhiêu, quyền lợi của người lao động được giải quyết thế nào.

Phó chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính

Ông Giang Văn Nam - trưởng Ban chính sách pháp luật của LĐLĐ TP cho hay, trong 3 năm qua, đã xảy ra 265 vụ tranh chấp lao động, trong đó có 120 vụ về lợi ích. Đa số tranh chấp xảy ra ở đơn vị có tổ chức công đoàn.
Cho đến tháng 1 vừa qua, có 12.911 DN nợ BHXH công nhân với 1.528 tỷ đồng. Liên đoàn đã kiến nghị kiện ra tòa 2.013 DN với tổng kinh phí nợ 545 tỷ đồng. Qua khởi kiện đã có 365 DN chi trả nợ BHXH với tổng kinh phí thu hồi 192 tỷ đồng. Có nhiều DN bị kiện, chưa xử đã tự giác đóng, thu về 232 tỷ đồng…
Ông Chính cho hay, khó khăn với địa phương là xác định thế nào là DN có chủ bỏ trốn. Bộ Kế hoạch & Đầu tư là cơ quan xác định tiêu chí nhưng đến nay chưa trả lời. Trong khi nhiều ông chủ DN “lời ăn lỗ chạy”, về nước chỉ biên lá thư sang Việt Nam thông báo, khiến công nhân, lao động mệt mỏi.
TLĐLĐ cũng đã kiến nghị với Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cho áp dụng chính sách giải quyết cho người lao động có chủ bỏ trốn vận dụng theo quyết định 30 (năm 2009).
Theo đó, khi DN khó khăn, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn thì ngân sách tạm ứng chi trả tiền lương, BHXH, sau đó bán thủ tục tài sản phá sản đề bù lại. Nhưng đến nay cũng chưa có hướng dẫn vận dụng thế nào.
Ông Chính cho rằng, khi DN phá sản, dù tòa án có xử thắng cho người lao động thì cơ quan thi hành án vào cũng không còn tài sản mà thanh lý.
“Công đoàn khởi kiện phải kiếm ông có tóc mà xử, nếu không không thi hành án được”, ông kiến nghị.
Làm sao trốn được?
Nghe vậy, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt ngược vấn đề với những cán bộ công đoàn ở từng cơ sở: Lâu nay, đại diện công đoàn luôn đứng về phía công nhân, lao động để bảo vệ quyền lợi mà chưa chú trọng DN chính là “đối tượng” của mình.
Bí thư Thăng: Mấy cha DN vi phạm, sao không đối thoại?
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng: Cán bộ công đoàn không hiểu hội nhập, làm sao bảo vệ được công nhân?
Ông cho rằng, ở cấp cơ sở, nếu cán bộ công đoàn làm tốt, nắm được nội tình, nhất là chủ động “cảnh báo nguy cơ” sớm khi có những biểu hiện manh nha thì không thể nào cả hệ thống từ thuế, bảo hiểm, công đoàn trong tay mà DN có thể bỏ trốn dễ dàng.


Bí thư khẳng định, nếu công đoàn coi chủ DN là những đối tượng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đối thoại một cách chủ động mọi lúc, có tinh thần cảnh báo, thay vì chỉ hướng tới tìm cách bảo vệ lợi ích công nhân, lao động chia chác sau phá sản thì DN không thể trốn, chỉ có thể “trốn lên trời”.
"Mấy cha lãnh đạo DN vi phạm sao không tuyên truyền, phổ biến, đối thoại?..., ông nói.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang lưu ý nhiều vấn đề đối với LĐLĐ TP, trong đó có thực trạng chưa phát triển được công đoàn đến khối các công nhân thời vụ, nhập cư trôi nổi trên các công trình xây dựng, chiếm gần 3 triệu.
Hay hoạt động công đoàn trong các cơ sở DN như Pouyuen có đến 80.000 lao động vẫn hoạt động theo phương thức cũ, không khác “mặc chiếc áo chật”.
Ông cũng lưu ý hiện nay công đoàn TP mới chỉ quan tâm từ DN có 10 lao động trở lên, dự kiến khoảng 60 nghìn DN. Nhưng còn 250 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh, những nơi hoạt động chỉ có 5-10 công nhân thì chưa tổ chức được.
Không hiểu hội nhập có bảo vệ được công nhân?
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ ra, sắp tới, các hiệp định thương mại thế hệ mới như FTA với các nước, TPP sẽ có hiệu lực phê chuẩn và thực thi. Cán bộ công đoàn sẽ thích ứng không gian mới này ra sao?
“Xin đề nghị LĐLĐ TP tập trung nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn. Nếu cán bộ công đoàn không hiểu TPP, không hiểu hội nhập, quản lý doanh nghiệp thì anh có dám bảo vệ quyền lợi của người lao động, anh có đấu tranh được cho người lao động không?”, ông nói
Bí thư TP cũng lưu ý việc cổ phần hóa, tái cơ cấu DN sẽ diễn ra mạnh mẽ, nếu làm tốt thì công nhân giữ được việc làm, không thì công nhân mất việc, công đoàn TP sẽ tham gia như thế nào vào việc này?
Ông đề nghị LĐLĐ TP phải có chương trình đột phá, gắn với các đột phá của TP, làm công đoàn phải đi vào thực chất, không dừng ở những khẩu hiệu, báo cáo phải mang hơi thở cuộc sống. TP HCM là đầu tàu, trung tâm kinh tế của cả nước nên dứt khoát công đoàn cũng phải đột phá, đổi mới, sáng tạo và hội nhập.