News

6/recent/ticker-posts

Vụ “kho báu Núi Tàu”: Nếu là thật, người "chỉ điểm" được hưởng bao nhiêu?

Trường hợp nếu tìm thấy "kho báu" đúng như người đàn ông cung cấp thì quyền lợi của họ được xác định theo quy định tại Điều 240 Bộ luật dân sự.
Ngày 18/3, báo Người Lao Động có đưa tin: Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh này đã có văn bản khẩn gửi UBND huyện Tuy Phong và các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh đề nghị kiểm tra, xử lý thông tin dư luận về tài sản nghi bị chôn giấu tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong.
Không để sự việc phát sinh kéo dài, UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các ngành chức năng liên quan tiến hành xem xét, đánh giá cụ thể, khách quan và khoa học về những thông tin mà ông Đợi cung cấp.
Người đàn ông bất ngờ tuyên bố tìm thấy “kho báu Núi Tàu” ở Bình Thuận chính là ông Hoàng Văn Đ (SN 1972, ngụ đường Quang Trung, phường 1, quận Gò Vấp, TP HCM).

Đỉnh núi Tàu. Ảnh: VietNamnet

Theo đó, trong vụ việc nêu trên, người đàn ông khi phát hiện ra “kho báu” đã báo với chính quyền địa phương là phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp nếu tìm thấy “kho báu” đúng như người đàn ông cung cấp thì quyền lợi của người đàn ông được xác định theo quy định tại Điều 240 Bộ luật dân sự.
Cụ thể: vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với vật đó được xác định như sau:
- Vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hoá thì thuộc Nhà nước. Người tìm thấy vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
- Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hoá, mà có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy. Nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương; phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
Trường hợp ông Đ phát hiện hoặc nghi ngờ đó là những vật có giá trị mà không thông báo, không giao nộp thì có thể bị xử lý với các hình thức sau:

Xử phạt hành chính: Nếu “kho báu” có giá trị (lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu) thì được coi là thuộc sở hữu Nhà nước mà không thuộc quyền sở hữu của ông Đ. Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tịch thu tang vật.
Xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự, tội Chiếm giữ trái phép tài sản bị xử phạt như sau:
- Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
- Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm.