News

6/recent/ticker-posts

Các luật sư nói gì về chuyện '150 mâm cỗ cưới' không người nhận?

Những vụ 'bùng' hàng gây thiệt hại không nhỏ cho người bán. Vậy người 'bùng' hàng phải chịu trách nhiệm gì theo quy định pháp luật hiện hành, người bị 'bùng' hàng cần làm gì để tránh thiệt hại cho mình?


Cà Thị Út tại cơ quan công an

Mới đây, một nhà hàng tiệc cưới tại phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ, Điện Biên) đã bị chị C.T.U. (24 tuổi, trú tại xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ) "bùng" 150 mâm cỗ cưới, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chủ nhà hàng đã báo cơ quan công an truy tìm vị khách này để làm rõ.

Đây chỉ là một trong những vụ "bùng" hàng điển hình, thiệt hại giá trị lớn gần đây.

Chỉ là giao dịch dân sự

Nhận định về vụ việc này, PGS.TS Lê Minh Hùng - trưởng bộ môn luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM - cho rằng quan hệ giữa chị C.T.U. và nhà hàng là quan hệ hợp đồng dân sự.

Theo TS Lê Minh Hùng, phía chủ nhà hàng cho rằng chị U. đã đặt tiệc và nếu chị này thừa nhận có đặt tiệc thì giữa hai bên đã thành lập một hợp đồng dân sự.

Theo quy định Bộ luật dân sự, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch cũng thể hiện bằng email hay dữ liệu giao dịch điện tử.

Cụ thể, trong hợp đồng này, chị U. đã thể hiện ý chí, mong muốn đặt tiệc với đầy đủ thông tin gồm: loại cỗ gì, số bàn tiệc, giá bàn tiệc, thời gian, địa điểm... Về mặt nội dung hợp đồng như vậy là đủ. Còn hình thức thể hiện có thể bằng cách trực tiếp (lời nói, điện thoại) hoặc qua văn bản, email...

Đặt tiệc qua điện thoại là có giá trị pháp lý, vì đó là một hình thức công bố ý chí đầy đủ. Có thể do quen biết nên nhà hàng không yêu cầu đặt cọc hay ký biên nhận, văn bản gì.

"Nhưng trong thực tế việc đặt tiệc cũng đâu quá ràng buộc hình thức giao kết, chỉ cần có nhu cầu đặt tiệc, có ngày tháng, số lượng, thời điểm, giá cả... thì nhà hàng nhận tiệc thôi. Đây là chuyện kinh doanh bình thường hằng ngày mang tính chuyên nghiệp của cơ sở nhận tiệc" - PGS.TS Lê Minh Hùng nói.

Trường hợp nếu chị U. không thừa nhận việc đặt tiệc thì phía chủ nhà hàng phải chứng minh. Bằng chứng là cuộc gọi điện thoại của chị U. với nội dung cuộc gọi đặt tiệc ra sao, có ghi âm cuộc gọi hoặc nhân chứng nào chứng kiến không...

Nếu phía chủ nhà hàng chứng minh được thì giữa hai bên đã thành lập một hợp đồng.

Đồng tình, luật sư Vũ Phi Long - nguyên chánh tòa hình sự TAND TP.HCM - cũng cho rằng giữa chị U. và nhà hàng chỉ là quan hệ hợp đồng dân sự. Còn về mục đích đặt tiệc của chị U. là gì thì không liên quan đến mục đích của hợp đồng với nhà hàng.

Nhà hàng không thể biết động cơ bên đặt tiệc và chị U. có lừa ai hay không thì không phải là đối tượng phải chứng minh trong mối quan hệ này.

Nếu qua lời khai nhận của chị U. mà cơ quan chức năng chứng minh được chị này chiếm đoạt tiền đặt tiệc của bên thứ 3 (ví dụ như của nhà chồng chưa cưới, của nhà mình hoặc của người nhờ đặt tiệc...) thì sẽ xử lý hình sự tương ứng.

Trường hợp này phải chứng minh được ai là nạn nhân, ai bị thiệt hại. Tuy nhiên trong mối quan hệ với nhà hàng và chị U. thì chỉ là hợp đồng dân sự.

Phải bồi thường

Về trách nhiệm khi "bùng" hàng, PGS.TS Lê Minh Hùng cho rằng bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường. Trường hợp chị U. đặt tiệc thì phía nhà hàng đã chuẩn bị tiệc đầy đủ theo thỏa thuận.

Nhưng chị U. không nhận tiệc mà không thông báo trước cho nhà hàng để hạn chế tổn thất của nhà hàng nên chị phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ tổn thất của phía nhà hàng, bao gồm tiền chuẩn bị mâm cỗ và các khoản khác kèm theo như thiệp, hoa, trang trí..., thậm chí bị phạt khoản phí vì gây tổn thất.

"Tuy nhiên, nếu chị U. không thừa nhận và nhà hàng không chứng minh được chị này có đặt tiệc, đồng nghĩa với việc không chứng minh tồn tại hợp đồng thì nhà hàng phải tự chịu tổn thất..." - PGS.TS Lê Minh Hùng nhận định.

Trong thực tế, tình trạng "bom" hàng thời gian gần đây khá phổ biến, nhất là khi việc mua hàng online ngày càng dễ dàng.

Ví dụ như vụ anh shipper ở Cần Thơ chia sẻ trên mạng xã hội bị khách "bùng" sau khi đặt 11 bịch bún và mì đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cư dân mạng. Việc bị "bom" hàng gây tổn thất không nhỏ cho những người làm dịch vụ giao hàng, bán hàng (nhất là hàng tươi sống, hải sản...).

Gần đây, vì bức xúc do thường bị "bom" hàng, một chủ shop đồng hồ ở Sài Gòn đã dán tờ rơi in hình và thông tin người "bom" hàng trên nhiều đường phố gây tranh cãi. Hoặc thậm chí hội shop online còn lên kế hoạch lập, chia sẻ danh sách khách hàng "xấu tính" hay "bom" hàng.

Theo PGS.TS Lê Minh Hùng, bên cạnh trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng, nếu việc "bùng" hàng là một cách để chơi xấu, cố tình phá đám do ghét, trả thù hoặc do cạnh tranh không lành mạnh giữa chủ nhà hàng, chủ shop cùng lĩnh vực, ngành hàng thì có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành chính.

Tuy nhiên, theo luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM), việc xử lý hành chính thường không đơn giản. Bởi lẽ cơ quan chức năng thường xem đây là các giao dịch dân sự nên để tự các bên giải quyết với nhau hoặc khởi kiện dân sự.

Bên cạnh đó, giá trị hàng bị "bùng" dẫn đến tổn thất cho bên cung cấp hàng cũng tương đối nhỏ. Thêm nữa là khó khăn trong việc chứng minh giao dịch cũng như cung cấp thông tin nhân thân cá nhân có giao dịch để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.

Tự bảo vệ trước tình trạng "bùng" hàng?

Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, trong khi nhận đơn hàng, cửa hàng cần trao đổi, đề nghị khách hàng cung cấp thêm thông tin cá nhân, số điện thoại, email... để nắm, tìm hiểu kỹ thông tin khách hàng, đối chiếu tính xác thực.

Bên cạnh đó, cần lưu lại ghi âm cuộc gọi điện thoại, lịch sử trao đổi qua thư điện tử... làm bằng chứng về xác lập giao dịch khi cần bảo vệ quyền lợi của mình.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển, vấn đề giả mạo danh tính, địa chỉ, email, nick ảo... vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, khi khách hàng đặt hàng thì cửa hàng nên yêu cầu chuyển khoản trước tiền đặt cọc tương ứng với một phần giá trị hàng hóa hoặc toàn bộ giá trị hàng hóa, như vậy sẽ hạn chế việc "bùng" hàng.