Đó là nhận định của giới chuyên gia luật quốc tế trước các diễn biến liên quan vấn đề pháp lý của Biển Đông gần đây.
Tối 4.10, Tân Hoa xã dẫn lời Phó thủ tướng Campuchia Hor Namhong kêu gọi các nước bên ngoài khu vực tránh “khiêu khích” về vấn đề Biển Đông và cho rằng bất kỳ tranh chấp nào cũng cần được giải quyết hòa bình.
Ông Namhong nói: “Các cường quốc bên ngoài nên đóng góp vào hòa bình trong khu vực và tránh thổi phồng các tranh chấp”.
Bước tiến tích cực
Phát biểu của ông Hor Namhong không trực tiếp đề cập “các cường quốc bên ngoài” là những nước nào. Tuy nhiên, vừa qua, nhiều nước như Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức... cũng như một số quốc gia Đông Nam Á đã đệ trình văn bản lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này.
Trả lời PV về diễn biến vừa nêu, GS luật quốc tế Jonathan G.Odom thuộc Trung tâm George C.Marshall về an ninh châu Âu tại Garmisch-Partenkirchen (Đức) đánh giá việc Anh, Pháp và Đức trình công hàm chung lên LHQ về Biển Đông là một bước tiến tích cực.
“Lâu nay, Trung Quốc vẫn tuyên truyền về vấn đề Biển Đông xoay quanh 2 điểm nổi bật: Thứ nhất, đây là tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á; Thứ hai, việc Mỹ can dự vào vấn đề này là “sai chỗ”. Đúng là tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á. Nhưng cách Bắc Kinh mô tả về bất đồng Mỹ - Trung tại đây là không đúng. Thực tế, không chỉ có Mỹ mà còn Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng có lợi ích liên quan Biển Đông, bao gồm duy trì an ninh, ổn định cho khu vực cũng như đảm bảo luật pháp quốc tế và tự do hàng hải tại đây. Công hàm chung của Anh, Pháp và Đức chứng minh nhiều quốc gia khác, bao gồm cả nhiều nước châu Âu, có lợi ích ở Biển Đông, chứ không phải chỉ tồn tại cạnh tranh Mỹ - Trung”, ông Odom phân tích.
Tương tự, cũng trả lời PV, GS James Kraska (chuyên gia về luật Hàng hải quốc tế - Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định: “Việc nhiều nước trình văn bản lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là một bước ngoặt, nhưng đáng tiếc là diễn ra trễ. Lẽ ra, các động thái này phải được tiến hành từ năm 2016. Tuy nhiên, muộn còn hơn không và có lẽ phải mất một thời gian dài mới hy vọng Trung Quốc thay đổi yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Để làm được điều đó, cần những tuyên bố mạnh mẽ hơn nữa từ Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh… cũng như sự lên tiếng của một số nước khác như Nga, Israel… Tiếp đến, cộng đồng quốc tế cần phối hợp lên tiếng ở các diễn đàn quốc tế như LHQ”.
Từ đó, ông Kraska cho rằng các nước nên tiếp tục phát triển và thắt chặt hợp tác về an ninh lẫn kinh tế để cùng ứng phó với các hành vi của Trung Quốc.
Bắc Kinh phải tuân thủ UNCLOS 1982
Bàn về vấn đề pháp lý, GS G.Odom phân tích rằng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đối với Biển Đông là nỗ lực toàn diện của các chuyên gia tư pháp quốc tế với hàng chục năm kinh nghiệm về luật biển. Ủy ban Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết mọi vấn đề pháp lý ở Biển Đông hiện nay.
“Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế là vô nghĩa như một nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố chỉ 1 ngày sau khi phán quyết được đưa ra. Là một bên tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, Trung Quốc đúng ra phải tuân thủ phán quyết trên. Các quốc gia ASEAN là thành viên của UNCLOS nên liên tục trích dẫn phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Nếu không như thế, Bắc Kinh càng có cơ hội phớt lờ luật pháp quốc tế”, ông Odom nói.
Xây dựng một COC hữu hiệu
Qua đó, GS Odom nhấn mạnh: “Các nước ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên, Bắc Kinh phải chứng minh được thiện chí thực sự trong đàm phán COC, chứ không phải chỉ “làm màu” với dư luận thế giới. Khi được hoàn thiện, COC phải có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, chứ không nên chỉ là một “tuyên bố chính trị” để rồi Trung Quốc có thể phớt lờ. COC nên được ràng buộc dựa trên các tiêu chí từ các quy tắc quốc tế sẵn có như Công ước về Quy định va chạm quốc tế trên biển vốn yêu cầu các tàu phải điều hướng an toàn. Bộ quy tắc cũng không nên cho phép Trung Quốc có quyền phủ quyết các cuộc tập trận chung giữa các nước trong khu vực với các nước bên ngoài, để phòng ngừa Bắc Kinh thỏa sức điều động lực lượng tàu chiến và tàu cảnh sát biển tự ý kiểm soát cả vùng biển, gây áp lực lên các nước nhỏ hơn trong khu vực”.
Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo: “Các thành viên ASEAN không nên đặt hết niềm tin vào việc COC đủ sức giải quyết tất cả bất ổn hiện nay ở Biển Đông”.
Tương tự, GS Kraska đặt vấn đề rằng ASEAN vẫn thiếu sự đồng thuận và một số thành viên bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc. “Vì thế, khối này cũng nên xem xét thay đổi một số quy chế để tránh tình trạng quá lệ thuộc vào nguyên tắc đồng thuận khiến nhiều lợi ích chung bị tác động bởi bên ngoài”, ông Kraska nêu quan điểm.
Đô đốc Thái Lan muốn giúp Trung Quốc răn đe ở Biển Đông ?Mới đây, tờ Khaosod của Thái Lan đã đăng tải bản chụp bức thư được cho là do Tư lệnh hải quân nước này Luechai Ruddit gửi cho ông Xu Zhanbin, Cục phó Cục Công nghệ công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Qua bức thư, tướng Luechai đề nghị phía Trung Quốc cử đại diện để bí mật sang Thái Lan ký kết các thỏa thuận cần thiết để xúc tiến kế hoạch mua tàu ngầm thứ 2 và 3. Trước đó, cuối tháng 8, do kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh Covid-19, chính phủ Thái Lan công bố dừng kế hoạch mua 2 tàu còn lại trong đơn hàng mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc.Ngoài ra, bức thư trên còn có nội dung đề cập đến chiếc tàu đổ bộ Type-071 mà Thái Lan đặt mua của Trung Quốc vào năm ngoái và đang được hoàn thiện. Qua thư, tướng Luechai đề nghị chiếc tàu Type-071 được bán cho Thái Lan cũng sẽ có trang bị tương đương với tàu cùng loại mà hải quân Trung Quốc đang sử dụng. Ông Luechai cho rằng điều đó giúp tạo ra “biện pháp răn đe chiến lược” khi Thái Lan điều động tàu đổ bộ Type-071 hoạt động ở vịnh Thái Lan hoặc ở Biển Đông.Một đoạn khác trong bức thư, ông Luechai tiếp tục đề cập rằng: “Điều đó chứng minh khả năng răn đe và sự sẵn sàng của hải quân Trung Quốc ở Đông Nam Á”. Trả lời Khaosod, Phát ngôn viên hải quân Thái Lan từ chối bình luận nội dung trên.