News

6/recent/ticker-posts

Trung Quốc từng bước thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông với việc xét giấy đi lại

Theo thông tin từ phía Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1-9, Luật an toàn giao thông hàng hải sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, Trung Quốc đặt ra một loạt yêu cầu kiểm soát các tàu bè nước ngoài đi vào "vùng lãnh hải" của nước này.

Một chiếc tàu có chữ "Hải cảnh Trung Quốc" - Ảnh: SCMP/WEIBO

Không bắt buộc phải khai báo

Cụ thể có 2 nội dung cần được phân tích một cách thật sự khách quan, trên cơ sở của luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành, để nhận rõ bản chất đích thực "Luật an toàn hàng hải" của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.

Nội dung thứ nhất là quyền "đi qua vô hại" trong vùng lãnh hải. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã trích dẫn quy định cho 5 loại tàu khi đi vào "vùng lãnh hải" của Trung Quốc phải khai báo gồm: (i) tàu ngầm; (ii) tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân; (iii) tàu chở vật liệu phóng xạ; (iv) tàu chở chất độc hại như dầu hỏa, hóa chất hoặc khí hóa lỏng và (v) các tàu khác "có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc" phải khai báo chi tiết mọi thông tin liên quan đến các con tàu đó như về danh tính, số IMO, vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa nguy hiểm và số lượng cụ thể... 

Dựa trên thông tin này, có thể hiểu rằng Trung Quốc bắt buộc 5 loại tàu nói trên khi đi qua lãnh hải của Trung Quốc buộc phải khai báo, xin phép. Như vậy, có thể thấy rằng để ra quy định này, Trung Quốc đã giải thích và vận dụng điều 20 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982: Tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác và điều 23 của UNCLOS 1982: Tàu thuyền nước ngoài có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu thuyền chuyên chở các chất phóng xạ hay các chất vốn nguy hiểm hoặc độc hại. 

Tuy nhiên, theo nhận xét của chúng tôi, Trung Quốc đã vận dụng quá mức cần thiết so với nội dung quy định của 2 điều khoản nói trên của UNCLOS 1982. 

Điều 20 và điều 23 quy định khá nghiêm ngặt đối với 5 loại tàu thuyền nói trên, như tàu ngầm hay phương tiện đi ngầm buộc phải đi nổi; các tàu có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu thuyền chuyên chở các chất phóng xạ hay các chất vốn nguy hiểm hoặc độc hại thì buộc phải mang đầy đủ các tài liệu và áp dụng những biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định của các điều ước quốc tế đối với loại tàu thuyền đó. 

Tuy nhiên, UNCLOS 1982 không bắt buộc phải khai báo, xin phép hay phải chịu sự kiểm soát, khám xét của các lực lượng chức năng của quốc gia ven biển, nếu các loại tàu thuyền này hoàn toàn tuân thủ và thực hiện "quyền đi qua vô hại" trong lãnh hải của quốc gia ven biển.

Cẩn trọng bẫy pháp lý của Trung Quốc

Thứ hai về cái gọi là "vùng lãnh hải" của Trung Quốc. Đây mới là nội dung mà chúng tôi thấy cần được lưu ý, thậm chí cần phải đề cao cảnh giác để tránh mắc phải cạm bẫy pháp lý của Trung Quốc. Cũng như các quốc gia ven biển khác trên thế giới, Trung Quốc đã ra tuyên bố và có các văn bản quy phạm pháp luật xác định phạm vi lãnh hải của mình có chiều rộng 12 hải lý (Tuyên bố về lãnh hải 1958, Quy định về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992, về Đường cơ sở 1996 và về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 1998). 

Nếu phạm vi lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc được xác định tính từ hệ thống đường cơ sở ven bờ lục địa như Trung Quốc đã công bố thì hoàn toàn không có vấn đề gì. Chúng ta hoàn toàn ủng hộ và tuân thủ. 

Tuy nhiên vấn đề ở đây là Trung Quốc đã cố tình giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở tại các quần đảo nằm giữa Biển Đông. Chẳng hạn, như mọi người đều biết, tại phần IV, UNCLOS 1982, không có điều khoản nào quy định phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo không phải là quốc gia quần đảo.

Tuy vậy Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) năm 1996 (15-5-1996), vận dụng theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo. Trung Quốc cũng đang tính đến việc xác lập hệ thống đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa, sau khi họ đã chiếm đóng được các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông. 

Điều nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đang tìm cách hợp thức "vùng lãnh hải" 12 hải lý (thậm chí cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý) xung quanh các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, các bãi ngầm trong Biển Đông mà họ đã đánh chiếm, bí mật đổ bộ, tiến hành cải tạo nâng cấp thành các đảo nhân tạo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo quy định của UNCLOS 1982, của các quốc gia xung quanh Biển Đông trong thời gian qua.

Qua phân tích nói trên, chúng tôi một lần nữa khẳng định rằng Trung Quốc đã và đang tìm cách giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 nhằm hợp thức hóa yêu sách đường "lưỡi bò" phi lý; khống chế, kiểm soát Biển Đông để tiến tới thực hiện mục tiêu chiến lược là độc chiếm Biển Đông, nhất là trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang tập trung đối phó với đại dịch COVID-19.