News

6/recent/ticker-posts

Vụ 2 thiếu niên 14 tuổi bị đánh dã man trong phòng giám thị: Bảo vệ dân phố có quyền gì?

Dư luận đang phẫn nộ khi xem đoạn clip bảo vệ dân phố đánh đập 2 thiếu niên bằng những đòn hiểm, nhiều cơ quan chức năng lập tức vào cuộc. Vậy bảo vệ dân phố là ai, có những quyền hạn gì?


Bảo vệ dân phố đánh 2 thiếu niên gây phẫn nộ trên mạng xã hội

Như đã thông tin, từ tối 1.4, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài 1 phút 14 giây ghi lại cảnh bảo vệ dân phố đánh đập 2 thiếu niên túi bụi, bằng những đòn hiểm.

Đáng nói, người bảo vệ dân phố này dùng cả cùi chỏ vào đầu, lên gối, giơ chân đạp lên mặt và đấm 2 thiếu niên nam 14 tuổi. Hai nạn nhân trong clip chỉ biết ôm mặt chịu trận, đáng nói nhiều người lớn đứng xung quanh không hề can ngăn.

Nhiều người đặt câu hỏi về chức năng, quyền hạn của lực lượng bảo vệ dân phố là gì mà lại có hành vi gây phẫn nộ đến như vậy?

Bảo vệ dân phố là ai?

Luật sư (LS) Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát) nhận xét hành vi của bảo vệ dân phố trong clip được chia sẻ trên mạng xã hội là lạm quyền và không ý thức rõ được chức năng của mình.

LS Phát trích dẫn NĐ 38/2006 định nghĩa, bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn nơi bố trí lực lượng công an chính quy, do UBND phường quyết định thành lập.

Bảo vệ dân phố có trách nhiệm làm nòng cốt trong việc thực hiện phong trào quần chúng, bảo vệ an ninh tổ quốc, thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn.

Theo LS Phát, việc tăng cường lực lượng bảo vệ dân phố trong việc hỗ trợ, nhằm đảm bảo an ninh trật tự của mỗi địa phương là việc làm vô cùng quan trọng, vì tạo ra một lực lượng thường trực để sẵn sàng hỗ trợ lực lượng chức năng khi cần thiết.

Bảo vệ dân phố có quyền hạn thế nào?

LS Phát cho biết, lực lượng bảo vệ dân phố chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy phường, sự giám sát của HĐND, sự quản lý của UBND và hướng dẫn trực tiếp công tác của công an phường. Hàng năm, HĐND ở các địa phương, đều duyệt ngân sách để chi hoạt động của lực lượng này.

Tại Điều 5, Điều 6 quy định về chức năng và quyền hạn của lực lượng này, cho thấy đây chỉ là lực lượng hỗ trợ, phối hợp cùng lực lượng Công an, cán bộ của UBND khi thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan này.

Cụ thể, bảo vệ dân phố có một số nhiệm vụ như: Nắm tình hình an ninh, trật tự, phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, các vụ vi phạm hành chính, vi phạm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phường; phản ánh cho cơ quan Công an và UBND phường, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn; tham gia hoà giải, giải quyết kịp thời không để những hậu quả xấu xảy ra.

Bên cạnh đó, bảo vệ dân phố có nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền nâng cao cảnh giác, ý thức phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Đồng thời, bảo vệ dân phố đôn đốc, nhắc nhở nhân dân trong phường chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; sử dụng, quản lý chứng minh nhân dân và giấy tờ tuỳ thân khác…

Ngoài ra, bảo vệ dân phố phải vận động nhân dân tham gia cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ và quản lý những người đã chấp hành xong hình phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trung tâm cai nghiện, người chưa thành niên phạm tội, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

“Trong Điều 5 của Nghị định cũng quy định rõ, bảo vệ dân phố khi có vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra trong địa bàn, phải kịp thời có mặt và tìm mọi cách báo ngay cho công an phường; bảo vệ hiện trường”, LS Phát nhấn mạnh.
Về quyền của bảo vệ dân phố, Điều 6 Nghị định này quy định: “Bảo vệ dân phố được quyền bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở công an phường theo quy định của pháp luật…Tham gia với lực lượng công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án”.

Do đó, LS Phát phân tích, lực lượng bảo vệ dân phố không được tự mình đưa ra các quy định có tính chất cưỡng chế hay bắt người khác phải thực hiện, ngoại trừ việc tước vũ khí đối với người phạm tội quả tang, truy nã, mà thực ra người dân bình thường vẫn có quyền này.
LS Lê Trung Phát đề xuất các cơ quan chức năng cần làm tốt khâu chọn người từ đầu vào, tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện cho lực lượng bảo vệ dân phố để họ làm đúng quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Trở lại sự việc bảo vệ dân phố đánh đập 2 thiếu niên trong đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, LS Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng chi hội Luật sư, Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết hành vi đánh đập trẻ em trong đoạn clip là không chấp nhận được.

“Dù hai đứa trẻ có sai thế nào đi nữa thì phải làm việc với người giám hộ, còn khi đã đánh đập các em thì dù tỷ lệ thương tật chưa đến 11%, người bảo vệ dân phố này cũng bị khởi tố về hành vi hành hạ người khác hoặc cố ý gây thương tích. Không chỉ vậy, các cơ quan chức năng cần truy cứu trách nhiệm của cả những người lớn đứng xung quanh mà vô cảm không can ngăn để có sức răn đe”, LS Nữ phân tích.