News

6/recent/ticker-posts

Tranh cãi "nảy lửa" nên hay không chấm dứt lễ hội chém lợn

Trước đề nghị chấm dứt lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, nhiều cao niên trong làng đã lên tiếng phản đối và vẫn họp bàn để tổ chức lễ hội theo lịch hằng năm.

Lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh (Ảnh Dân trí).
"Chém lợn là lối đối xử tàn ác đối với động vật"
Như tin tức đã đưa, ngày 27/1, Tổ chức Động vật Châu Á đã phát động chiến dịch gây ảnh hưởng tới cộng đồng cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ TTTT ban hành luật chấm dứt Lễ hội chém lợn, tại làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Tổ chức Động vật Châu Á cho rằng đây là lễ hội tàn bạo nhất ở Việt Nam, gây ra không ít những tác động tiêu cực về nhiều mặt như ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động tới kinh tế xã hội.
Lý giải về việc Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) cho rằng nên bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ Phúc lợi Động vật, Tổ chức Động vật châu Á cho biết trên báo VnExpress: “Chúng tôi phản đối lễ chém lợn bởi những tác động tiêu cực của nó với vấn đề phúc lợi của động vật và toàn xã hội. Ngoài ra, một lễ hội văn hóa là dịp để nhiều người, nhiều thế hệ tham gia thay vì giới hạn. Vì vậy địa phương nên chắt lọc chương trình mang tính văn minh và nhân đạo để truyền bá truyền thống tốt đẹp.
Việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Ông Thanh dẫn chứng, nhiều kết quả nghiên cứu thực hiện ở Mỹ cho thấy mối liên hệ giữa việc đối xử tàn ác với động vật và hành vi bạo lực ở người. Theo khảo sát thực hiện vào năm 1999 tại một nhà tù, trong tổng số 117 tù nhân, 63% tội phạm thuộc nhóm có xu hướng bạo lực từng có hành vi ngược đãi động vật so với tỷ lệ chỉ 11% ở nhóm không có xu hướng bạo lực.
Hành vi tàn ác đối với động vật là một trong những phép kiểm tra được Cục điều tra Liên bang của Hoa kỳ (FBI) thực hiện nhằm đánh giá mức độ nguy hiểm của các tù nhân. 
Người dân phản đối việc bỏ lễ hội chém lợn
Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay, lễ hội tại thôn Ném thượng vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm. Tuy nhiên, từ 2 năm trước, do có nhiều ý kiến trái chiều về việc chém lợn công khai giữa hàng nghìn người dân nên UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã có chỉ đạo không tổ chức chém lợn tại lễ hội này nữa.
Lễ hội vẫn được tổ chức, lợn cúng tế vẫn được người dân nuôi. Nhưng đến ngày lễ hội, người dân không còn chém lợn, mổ lợn công khai ở sân đình, trước sự chứng kiến của nhiều người nữa. Thay vào đó, một số người sẽ đem lợn ra phía sau đình, nơi kín đáo để thịt lợn giống như cách mổ lợn thông thường”, ông Quỳnh cho biết.
Theo ghi nhận của báo Dân Việt, sau khi biết thông tin lễ hội của làng bị đề nghị chấm dứt, các các bậc cao niên và một số người dân đã lên tiếng phản đối và vẫn họp bàn để tổ chức lễ hội theo lịch hằng năm (mùng 6 Tết).
Ông Nguyễn Đăng Quy, 86 tuổi, giận dữ khi biết thông tin lễ hội của làng đang bị đề nghị chấm dứt. “Chém lợn là lễ hội của làng chúng tôi từ hàng trăm năm nay. Diễn lại tích để tưởng nhớ vị tướng quân chém lợn rừng nuôi quân. Tại sao lại gọi việc đó là dã man?”, ông Quy nói.
Theo ông Quy, cắt cổ hay chọc tiết lợn ở chỗ kín đáo thì không còn giữ được tính nguyên bản nghi lễ.
Ông Nguyễn Hưng Thể, 58 tuổi, người thủ đao trực tiếp chém lợn trong 2 năm liền cũng cho rằng đây không phải hành động tàn bạo mà chỉ là một tập tục bình thường của địa phương.
Ông Thể cho biết: “Nếu nói giết lợn dã man thì to tát quá. Đầu năm mổ lợn để lấy thực phẩm dùng trong ngày Tết, cúng giỗ ở đâu chẳng có. Từ bao nhiêu năm nay, hàng ngàn người xem lễ hội, tôi chưa thấy trẻ con trong làng bị ảnh hưởng nặng nề khi chứng kiến chém lợn. Trái lại, lễ hội đem đến cho mọi người sự vui vẻ, phấn khởi ngày đầu năm mới”.
Đồng tình với việc chém lợn giữa chốn đông người gây phản cảm nhưng theo ông Bùi Quang Nhật, 71 tuổi, đây là phong tục đã ăn sâu vào tiềm thức của dân làng. Vì thế không thể nói bỏ là bỏ ngay được.
"Chúng tôi đã tránh chém lợn và thay bằng cắt cổ lợn. Giờ ngay cả việc cắt cổ lợn cũng làm chỗ khuất thì coi như mất luôn lễ hội. Lễ hội thì phải có người xem, năm nay chúng tôi vẫn quyết định tổ chức nghi lễ ở giữa sân đình”, ông Nhật nói.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch phường Ném Thượng cho biết: “Đề thay đổi tập tục lâu đời của người dân rất khó. Chúng tôi đã trực tiếp xuống lễ hội năm 2014 yêu cầu thay đổi nhưng đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân. Lễ hội rất đông, không thể cản người dân vào xem lễ hội, quết tiền lẻ cầu may được”.
Theo Đời sống & Pháp luật