News

6/recent/ticker-posts

Phản cảm giới trẻ đua nhau đi lễ chùa cầu xui xẻo cho người khác

Đi lễ chùa đầu năm cầu may, cầu an cho gia đình, người thân là truyền thống, nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, không ít trường hợp đi lễ đầu năm để... cầu cho người khác gặp xui xẻo... Thậm chí, có bạn vì mâu thuẫn với anh chị, em, mẹ chồng đã cầu họ gặp ốm đau hoặc gặp hoạn nạn. Điều đáng lên án là không ít người đã biến việc đi lễ đầu năm nơi cửa chùa thành trò để hãm hại nhau.
Cầu vận hạn cho đối thủ
Từ xa xưa, Tết đến xuân về, người Việt thường tới chùa để tỏ lòng thành kính và cầu mong những điều an lành. Đối với giới trẻ, ngày xuân, đi lễ chùa không chỉ để cầu an, mong muốn công việc, học hành hanh thông mà còn tạo tâm lý thoải mái, động lực cho năm mới. Tuy nhiên, điều phản cảm ở chỗ, không ít người trẻ đã mang tâm lý “tham - sân - si” khi bước vào chùa chiền. Họ đi chùa không chỉ để hái lộc, cầu bình an mà còn mong vận hạn cho đối thủ, những người mà mình không thích.
Tại chùa Bà Thiên Hậu (tỉnh Bình Dương), những ngày đầu năm, người đến dâng hương đông nghịt. Tại đây, chị Nguyễn Thị V. (25 tuổi) xì xụp khấn vái rất lâu, có vẻ thành tâm. Nhưng PV bất ngờ khi nghe chị này lầm rầm cầu cho người này ốm đau, đụng xe, người kia làm ăn thất bát. Lân la hỏi chuyện, chị V. chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, đầu năm tôi đi lễ chùa để cầu sức khỏe, may mắn cho gia đình mình và hai bên nội ngoại. Tuy nhiên, năm nay ngoài việc cầu an cho gia đình, tôi còn cầu thêm một vài vấn đề “phát sinh””.
PV phải năn nỉ nhiều lần, chị V. mới tiết lộ vấn đề “phát sinh” của mình. Được biết, chị V. làm hành chính tại một công ty sản xuất giày dép xuất khẩu tại Bình Dương. Năm trước, chị thường xuyên bị một số nhân viên trong công ty đố kỵ, đặt điều nói xấu với quản lý. “Chẳng phải khoe mẽ nhưng so với các nhân viên khác, tôi có năng lực, bằng cấp thực sự nên được các sếp đánh giá rất cao. Tuy nhiên thường xuyên bị nói xấu, vu oan, làm việc trong sự ghen ghét của đồng nghiệp, tôi cảm thấy phiền toái, khổ sở, mệt mỏi vô cùng. Chùa Bà Thiên Hậu nổi tiếng cầu gì được nấy. Tôi cầu cho những kẻ ghen ghét, bôi xấu danh dự tôi sẽ bị trừng phạt, gặp điều xúi quẩy", chị V. thẳng thắn.
Thấy lạ, chúng tôi tiếp tục hỏi vì sao lại nghĩ ra cách này thì chị V. cho biết, chị có cô bạn sống khổ sở vì bà mẹ chồng khó tính. Vì thế, cô bạn đó lên chùa cầu khấn cho bà mẹ một trận ốm thật nặng phải nhờ cô chăm sóc rồi mới biết điều với con dâu. Thế rồi chẳng hiểu sao bà mẹ ốm thật. Sau lần đó, tính tình bà dịu hẳn. Chị V. cũng muốn cầu để kẻ nói xấu, gièm pha mình phải bị trả giá.
Ảnh minh họa.
Cũng giống như trường hợp của chị V., chị Đào Th. (28 tuổi, tại Việt Trì, Phú Thọ) có người chồng lăng nhăng, bồ bịch. Năm nay, ngoài lễ cho cả gia đình, chị sửa soạn riêng một mâm lễ cầu cúng cho chồng luôn chung thủy với mình. Ngoài ra, chị Th. còn khấn cho những cô gái léng phéng với chồng mình gặp vận hạn, xui xẻo, đường tình duyên lận đận cho đến già. "Gia đình tôi đã rất nhiều lần đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Nhiều người xúi tôi đi đánh ghen nhưng mình việc gì phải ra tay với những đứa lăng nhăng, vớ vẩn ấy. Chính vì thế, cứ ai mách ngôi chùa nào linh thiêng là tôi dâng lễ đến. Trước tiên, tôi tìm hiểu thật rõ ràng tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp của những đứa muốn cướp chồng người. Sau đó tôi viết ra giấy rồi khấn cho họ mắc bệnh, gia đình tan nát, lục đục... Tôi rất mong chồng tôi hồi tâm chuyển ý chung thủy với vợ con”, chị Th. tâm sự.
Đừng mang "tục tâm" vào chùa
Không cầu cúng cho đối thủ gặp vận hạn trong năm mới mà Phương Mai (23 tuổi, tại Bình Phước) đi lễ chùa chỉ cầu mong lấy được chồng giàu. Cô mong muốn không phải nai lưng kiếm từng đồng bạc lẻ như ba mẹ mình nữa. Mai nghĩ rằng, có tiền là có tất cả.
Cách đây vài ngày, Phương Mai đi chùa Quang Minh (thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) cầu xin năm nay sẽ gặp được đại gia để đổi đời. “Tuy nhiên, em thấy lạ là đứng ngay bên cạnh có một anh khoảng 30 tuổi. Anh ta cầu khấn rất to khiến ai cũng ngỡ ngàng. Anh ta cầu năm nay anh trai mình sẽ bị tán gia bại sản. Cháu trai thì học hành không đến nơi đến chốn, trở nên hư hỏng. Gia đình anh trai phải tan vỡ. Anh ta đọc đi đọc lại hàng chục lần những lời cầu khấn. Em nghe loáng thoáng trong lời cầu khấn, anh này có kể về người anh trai vì tiền mà đánh đuổi bố mẹ, bán nhà, cướp đất của em trai. Chắc là ôm hận sâu lắm nên anh này mới có thể thốt lên những lời như thế", Phương Mai cho biết.

Hiện nay không ít người đi lễ chùa chỉ theo tính a dua, đua đòi. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là thực trạng đáng lên án. Họ đang mang sự hận thù và "tục tâm" vào chùa.
Trao đổi với PV, sư thầy Thích Đạo Giác, trụ trì chùa Phúc Thánh (Phú Thọ) cho rằng: "Đi lễ chùa là một nét đẹp truyền thống của người Việt, cần được giữ gìn. Tôi cho rằng, việc đi lễ chùa đầu năm là một họat động không thể thiếu của mỗi người dân dịp Tết đến, xuân về. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu, khi lên chùa, Phật tử không chỉ dựa vào kinh cầu an, dựa vào Phật để cầu nguyện mà mỗi người phải làm cho tâm an, tinh thần thanh tịnh, thành kính, suy nghĩ và nói ra những lời tốt đẹp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc đi chùa. Chính vì vậy, nhiều người mới có mục đích không tốt như cầu xui xẻo, vận hạn cho người khác. Đây là điều trái với thuần phong mỹ tục và các quy định nhà Phật”.
Cũng theo thầy Thích Đạo Giác, việc hiện nay nhiều người rủ nhau đi lễ chùa với cái tâm “không sạch” có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý. Họ đã quá lạm dụng và biến cửa Phật thành nơi mưu cầu của mình. Khi cầu xin và làm lễ như vậy, họ không biết được rằng, mọi sự trên đời đều do nhân quả. Mình cầu người khác gặp hạn, bệnh tật thì chính mình sau này cũng lãnh hậu quả.
Phê phán lối sống hẹp hòi, ích kỷ
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, xã hội học, những người đến chùa để cầu cho người khác gặp điều không may mắn có thể do tâm lý của họ đang gặp khủng hoảng. Họ không biết được rằng mình đang đi lạc lối. Những người đó với lối sống hẹp hòi ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mà không hề hiểu và đặt địa vị của mình vào người khác. Đi lễ chùa là làm khởi phát cái thiện tâm của mình chứ không nên lạm dụng và biến tướng nó.