News

6/recent/ticker-posts

Không khí người Hà Nội đang thở được ví như "khí quyển ngày tận thế"

Channel News Asia đã so sánh bầu không khí người Hà Nội hít thở với "khí quyển ngày tận thế" (Airpocalypse) trong một bài báo nói về ô nhiễm môi trường tại thủ đô Việt Nam.
"Nếu đến Hà Nội vào ban ngày, bạn sẽ thấy ai ai cũng đeo khẩu trang và trang bị "áo giáp" từ đầu tới chân để tránh khói bụi", Phó Giáo Sư Phạm Thúy Loan, Phó giám đốc Viện Kiến trúc Việt Nam, thuộc Bộ xây dựng cho biết.
"Hầu như người dân ở đây không còn được nhìn thấy một bầu trời trong xanh nữa.
Trên Facebook, mọi người vẫn hàng ngày chia sẻ chỉ số ô nhiễm ở Hà Nội do Đại sứ quán Hoa Kỳ công bố. Ai cũng đều cảm thấy quan ngại", ông Nguyễn Thanh, người trước đây từng làm công tác quy hoạch đô thị chia sẻ. 

Chất lượng không khí thảm họa
Ngày 1/3/2016, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã ghi nhận Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) tại đây vào khoảng 388, một con số không ngờ về mức độ ô nhiễm không khí thảm họa tại Hà Nội.
"Với mức ô nhiễm cao như vậy, mọi người không nên ra khỏi nhà. Thế nhưng ở Hà Nội, mọi người vẫn thoải mái tung tăng khắp nơi bằng xe máy, thậm chí còn chẳng buồn đeo khẩu trang", Mai Hoàng Nam, một nhân viên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.
Năm 2012, một công ty phân tích ô nhiễm của Pháp là ARIA Technologies đã xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á và là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Châu Á về chất lượng không khí.
"Nếu nói không khí ở Hà Nội ô nhiễm không khác gì Bắc Kinh thì không chính xác cho lắm mặc dù chất lượng không khí ở đây cũng là vấn đề đáng quan ngại", phát biểu trước báo giới ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết.

kk
Giao thông hỗn loạn ở Hà Nội giờ cao điểm.
Giao thông là "thủ phạm" lớn nhất
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý Môi trường Việt Nam, 70% tác nhân gây ô nhiễm môi trường ở Hà Nội là do khí thải từ những dòng xe không ngừng lưu thông trên đường, vấn đề đã tồn tại ở thành phố này từ khoảng 20 trở lại đây.
Cho tới tận giữa những năm 90, xe đạp vẫn là phương tiện di chuyển chính tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên đà phát triển kinh tế mạnh, xe đạp đã gần như bị xe máy thay thế hoàn toàn.

kkk
Xe đạp đã gần như bị xe máy thay thế hoàn toàn.
Số liệu chính thức cho thấy hiện Hà Nội có 5.3 triệu xe máy và 560.000 ô tô và con số này dự tính sẽ tăng 11% mỗi năm đối với xe máy và 17% đối với ô tô.
"Hầu như ai cũng có một chiếc xe máy trong khi phương tiện giao thông công cộng thì hạn chế và cũng không phổ biến lắm. Người dân thì không có thói quen đi bộ. Di chuyển dù chỉ một đoạn ngắn cũng phải xách xe máy ra", Tùng cho biết.
Tính tới năm 2020, sẽ có gần 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy chen chúc nhau trên đường phố Hà Nội.
Hiểm họa đối với sức khỏe
Theo số liệu từ các cơ quan y tế, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết ô nhiễm không khí khiến khoảng 44.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm.
Ô nhiễm không khí ở thủ đô Hà Nội còn trầm trọng hơn ở Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Giao thông, số lượng người mắc các bệnh về đường hô hấp ở Hà Nội cao hơn nhiều so với người dân ở miền Nam.
"Tắc đường thường xuyên và kéo dài là một nhân tố khác khiến mức độ ô nhiễm tăng cao", Giáo sư Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện khoa học, công nghệ và quản lý môi trường, ĐH Công nghệ Hồ Chí Minh cho biết.
Tắc đường ở mức báo động
Mặc dù chính phủ Việt Nam đã cố gắng mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông nhưng vấn không thể đáp ứng được số lượng phương tiện tăng đột biến, dẫn tới tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, đặc trưng thành phố với nhiều ngõ ngách nhỏ, ô tô không thể di chuyển cũng góp phần làm vấn đề trầm trọng thêm. 

k2
Ở Hà Nội, hầu như mỗi người đều sở hữu một chiếc xe máy.
"Những ngõ ngách này không phải dành cho ô tô. Nhiều con đường chỉ có hai làn nhưng với số lượng lớn phương tiện và người tham gia giao thông như hiện này cần phải có những con đường rộng hơn.
Tuy nhiên, thành phố chưa thể đáp ứng được vì chi phí đền bù để làm đường lớn quá đắt đỏ", Thanh cho biết.
Ngay cả khi làm mới thì những con đường đó cũng sẽ chẳng mấy mà lại rơi vào tình trạng "quá tải" ngay sau khi thông xe. Để theo kịp với số lượng xe cộ tăng nhanh, Hà Nội ước tính sẽ phải đầu tư khoảng 20 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để mở rộng mạng lưới đường xá.
Ngoài ra, chính phủ cũng đưa ra một số kế hoạch khác để cải thiện chất lượng không khí, bao gồm việc ban hành quy định khắt khe hơn về mức khí thải đối với cả ô tô và xe máy cũng như tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch hơn.
Sở hữu ô tô là một cách để khoe địa vị xã hội
Quy định về mức thuế 200% đối với ô tô vừa được ban hành hồi tháng 1/2016. Mỉa mai thay, một số người cho biết giá xe càng lên cao thì họ càng muốn sở hữu.
"Trong những năm 90, có một chiếc xe máy trong nhà là quý lắm rồi. Một căn hộ chỉ khoảng từ 30 tới 40 triệu đồng. Giờ đây mua một chiếc ô tô trung bình cũng phải từ 500 tới 600 triệu đồng vậy mà người ta vẫn thi nhau mua xe mới", Thanh cho biết.
Theo anh Nam, nhiều người mua ô tô chỉ để "khoe mẽ". Họ muốn người khác biết họ thành đạt và giàu có.
Tuy nhiên, Phó giáo sư Loan lại cho rằng có những người mua xe ô tô vì lý do khác, đặc biệt là những ông bố bà mẹ có con nhỏ. Họ mua xe chỉ để đưa đón con đi học cho đỡ khói bụi.
Giải pháp duy nhất: Phương tiện giao thông công cộng
Theo Phó giáo sư Loan, giải pháp không phải là "làm đường to" hay "ưu tiên ô tô" mà thay vào đó chính phủ nên tập trung phát triển giao thông công cộng. "Đầu tiên là xe buýt, xe buýt tốc hành rồi tới xe điện, tàu điện ngầm".
Hiện tại, xe buýt là phương tiện giao thông công cộng duy nhất ở Hà Nội, phục vụ một số lượng nhỏ chỉ từ 3 – 10% dân số Việt Nam thế nhưng con số này còn có xu hướng giảm do bất tiện khi sử dụng.
"Nếu hệ thống giao thông công cộng tốt thì tôi sẽ chọn đi các phương tiện đó thay vì phải tự lái xe máy hoặc ô tô", Nam cho biết.
Cho đến thời điểm này, thủ đô Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng 8 đường tàu điện ngầm do Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu phối hợp và đầu tư.