News

6/recent/ticker-posts

Bão số 9 đi vào Biển Đông với tốc độ rất nhanh và liên tục nạp năng lượng

Sáng 26-10, bão Molave đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 trong mùa mưa bão năm nay ở Việt Nam. Các cơ quan khí tượng cảnh báo đây là cơn bão rất mạnh, cường độ giữ nguyên khi áp sát đất liền.

Sơ đồ đường đi của bão số 9 - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

7h sáng nay, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14.

Tới 8h sáng nay, vị trí tâm bão ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 119,9 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 650km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm.

Đến sáng 27-10, dự báo bão ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 270km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Trong 1-2 ngày tiếp theo tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, sáng 28-10 bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Tốc độ di chuyển trung bình của các cơn bão trên Biển Đông khoảng 15-20km/h, nhưng cơn bão này có tốc độ di chuyển rất nhanh, đồng thời liên tục nạp năng lượng từ vùng biển ấm nó đi qua, và giữ cấp khi di chuyển, thậm chí mạnh thêm.

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 9 diễn ra sáng 26-10, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết các nhận định quốc tế đánh giá bão Molave di chuyển nhanh, cường độ mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, gió mạnh bao trùm khắp biển Đông.

"Hiện nay các dự báo quốc tế đều nhận định bão mạnh nhất khi trên biển Đông, mạnh cấp 13-14 và vào trong gần bờ đạt cấp 12", ông Khiêm nói.

Đối với dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dựa trên 52 mô hình tính toán, phân tích, dự báo bão sẽ hướng vào khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

"Cơn bão số 8 có khối không khí khô lạnh nên suy yếu trước khi đổ bộ. Cơn bão số 9 có cao cận nhiệt đới nên duy trì và đi thấp hơn, cường độ vẫn cao khi hướng vào đất liền", ông Khiêm nói.

Gió mạnh do ảnh hưởng của bão, từ chiều 27-10 trên các vùng biển ven bờ các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ bắt đầu chịu ảnh hưởng. Từ đêm 27 và ngày 28-10, trên đất liền sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp gió mạnh.

Sóng trên biển rất cao, lên tới 8-10m, khu vực ven bờ Quảng Bình đến Phú Yên tới 4-6m. Nước dâng ven biển Đà Nẵng đến Quảng Ngãi cao tới 1m, nguy cơ ngập lụt khu vực ven biển.

Từ đêm 27 đến sáng 29-10, ở khu vực Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa 200-400mm, riêng Quảng Nam có nơi trên 500mm, ở Bắc Tây Nguyên có mưa 100-200mm.

Từ 28 đến 31-10, ở Quảng Trị đến Nghệ An có mưa kéo dài do hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh. Lượng mưa phổ biến 200-400mm. Riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng bình có mưa đặc biệt to 500-700mm.

Do mưa lớn nên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông lên báo động 2-3, có nơi trên báo động 3.

Đặc biệt nguy cơ rất cao sạt lở đất, lũ quét, ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên và nguy cơ xảy ra sự cố tại các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu tại khu vực này. Các tỉnh Trung Bộ có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt.