News

6/recent/ticker-posts

'Tập trận trên Biển Đông của Trung Quốc không có lợi cho đàm phán COC'

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vi phạm chủ quyền nghiêm trọng và không có lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Khu trục hạm Hohhot thuộc lớp Type 052D của Trung Quốc diễn tập săn ngầm trên Biển Đông hồi đầu tháng 8-2020 - Ảnh chụp màn hình Chinamil

Đầu tuần này, Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc ra thông báo về năm cuộc tập trận bao gồm hai cuộc trên Biển Đông. Đây là một trong vài lần hiếm hoi Trung Quốc tổ chức tập trận đồng loạt.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 1-10 tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lên án gay gắt hành động này và yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chấm dứt và không tái diễn các hoạt động vi phạm tương tự.

"Cần phải nhắc lại một lần nữa là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đầy đủ của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế", bà Hằng tuyên bố.

"Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho đàm phán COC, không góp phần vào môi trường hoà bình, ổn định tại Biển Đông", bà Hằng cho biết thêm. 

Cũng tại cuộc họp báo, người phát ngôn hoan nghênh lập trường của Anh, Pháp, Đức vì đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi giữa tháng 9 nhằm phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

"Việt Nam cho rằng các nước chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung về việc duy trì và thúc đẩy hoà bình ổn định hợp tác và phát triển tại Biển Đông", bà Hằng nói. 

"Với tinh thần đó, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước bao gồm các nước đối tác của ASEAN sẽ đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và các giải pháp hòa bình khác vì lợi ích chung vì lợi ích chung phù hợp với lợi ích quốc tế". 

Bà Lê Thị Thu Hằng đồng thời thể hiện mong muốn sớm nối lại vòng đàm phán COC, vốn bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, coi việc đạt được COC phù hợp với Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) là một trong những ưu tiên trong thời gian tới.