Dưới góc nhìn võ thuật, người đánh đập hai thiếu niên ở Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10, TP.HCM) có trọng lượng hơn hẳn nạn nhân, lại chủ động tấn công. Trong clip, các cú đánh đều là những đòn rất nặng trong thi đấu đối kháng.
Công an Q.10 điều tra vụ đánh đập hai thiếu niên ở Trường THCS Nguyễn Văn TốĐình chỉ công tác bảo vệ dân phố đấm đá dã man 2 thiếu niên ở Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.102 thiếu niên 14 tuổi bị đấm đá dã man trong phòng giám thị ở Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10Tống tiền 'sugar baby' bằng ảnh 'nóng' sau lần đầu quan hệ
Những đòn đá phang ống, cắm chỏ, lên gối, đấm móc, đá thẳng… trực diện vào đối phương đều là đòn đánh sát thủ được võ sĩ áp dụng trên các sàn đấu của Muay, Kickboxing, Võ cổ truyền Việt Nam… chứ không phải tự vệ, lại càng không phải là công cụ dạy dỗ trẻ.
Hình ảnh trích từ clip ghi lại cảnh đội bảo vệ thượng cẳng tay hạ cẳng chân với hai thiếu niên đang lan truyền chóng mặt trên các trang mạng xã hội. Những đòn đánh diễn ra trong đoạn clip ngắn cho thấy, người ra đòn được đào luyện các động tác về võ thuật bài bản.
Từng tham gia các giải đấu đối kháng về võ cổ truyền, quyền anh, võ sĩ Ý Hoàng Long (lò võ cổ truyền Thiếu Lâm Nững Xị (Long Phi Báu Nhu Quyền), Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã có những trao đổi và phân tích sự việc dưới góc nhìn võ thuật.
Theo đó, trong thi đấu các môn võ đối kháng, ưu tiên hàng đầu là vấn đề bảo hộ các bộ phận trọng yếu trên cơ thể như đầu, hạ bộ, ngực, với nón bảo hộ, giáp che ngực, giáp kuki bảo vệ hạ bộ. Đối với một võ sĩ khi luyện tập, nhất là ở các môn võ có đòn nặng như cổ truyền, Muay, kickboxing… chỉ một đòn đánh lực vào các vị trí hiểm như ngực, màng tang, cổ… đủ khiến đối thủ đo sàn đài, ngay cả trong trường hợp có đồ bảo hộ.
Ở góc độ thi đấu nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp, các võ sĩ phải có trọng lượng cơ thể ngang nhau. Thông thường, mỗi hạng cân chỉ cách nhau 3kg như cổ truyền, muay, boxing… hay những môn khống chế cả độ tuổi lẫn hạng cân như Pencak Silat (tuổi 17 – 35, mỗi hạng cân cách nhau 5kg). Nếu chênh lệch về độ tuổi và hạng cân lớn, chưa cần đề cập việc luyện tập võ học, chắc chắn đem lại nguy hiểm cho người yếu cân hơn. Đó là lý do những môn nặng đòn như cổ truyền, muay... độ chênh của các hạng cân rất thấp, mục đích chính là để bảo đảm an toàn khi thi đấu cho các võ sĩ.
Trở lại với đoạn ghi hình người bảo vệ ra đòn với hai thiếu niên ở Trường THCS Nguyễn Văn Tố, độ tuổi và cân nặng của người này hơn hẳn hai nạn nhân, lại tấn công trong tư thế chủ động. Ở góc độ ra đòn, các cú đánh thể hiện trong đoạn clip đều là những đòn rất nặng trong thi đấu đối kháng.
Một võ sĩ khi tham gia luyện tập những đòn đánh như trên đều phải rất thận trọng và cân nhắc khi sử dụng, bởi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người chịu đòn, trong trường hợp này là hai thiếu niên ngồi ở tư thế bị động, hoàn toàn không có khả năng chống đỡ.
Những cú phang ống lật mặt, bạt cần cổ, chỏ cắm trực tiếp từ trên đỉnh đầu, lên gối thốc… ngay cả trong luật thi đấu các giải khốc liệt của thế giới như muay, MMA cũng hạn chế tối đa, đặc biệt là đòn chỏ cắm đầy nguy hiểm, thường được giới võ sĩ gọi là đòn 12 – 6, lấy tên theo trục kim đồng hồ thẳng theo hướng 12 xuống 6 giờ. Một cú chỏ cắm, nếu trực diện vào đầu, do điểm tiếp xúc đầu chỏ nhọn, lực tác động theo quỹ đạo thẳng, đủ gây vỡ hộp sọ, nếu trượt vào phần mặt, cơ, độ bén của chỏ đủ xé rách mảng thịt trên đối phương.
Các đòn đánh hiểm ác ấy, đều xuất hiện trong đoạn clip giữa một bảo vệ chủ động tấn công và thiếu niên trong tư thế chịu trận khiến cộng đồng phẫn nộ.