News

6/recent/ticker-posts

Đi chữa bệnh phải xin huyện, huyện chờ xin tỉnh, muốn về nhà không được

Sáng 22-9, nữ bệnh nhân nghi ung thư vòm họng từ Thái Nguyên về Bệnh viện K chữa bệnh. Đến Bệnh viện K, sau khám và xét nghiệm ban đầu, bệnh viện chỉ định quay lại làm thủ tục chuyển bảo hiểm y tế, nhưng đến cửa ngõ, Thái Nguyên không cho về.



Gia đình người bệnh cho biết bệnh nhân quay lại Thái Nguyên làm thủ tục chuyển bảo hiểm y tế ngay trong ngày, nhưng ở cửa ngõ Thái Nguyên, quy định của tỉnh là người từ vùng dịch về phải cách ly tập trung, bệnh nhân dù chỉ đi trong ngày nhưng... vẫn là vùng dịch, được yêu cầu nếu muốn về phải đi cách ly tập trung 14 ngày, nếu không phải quay lại Hà Nội.

"Trước khi đi chữa bệnh chị tôi đã làm xét nghiệm PCR và có kết quả âm tính, nhưng quay lại trình xét nghiệm, trình phiếu tiêm vắc xin và sổ y bạ ghi quay về làm thủ tục chuyển bảo hiểm nhưng họ cũng không chấp nhận. Sao họ lại máy móc như vậy? Bệnh của chị tôi đang ở giai đoạn nặng và phải điều trị sớm, buộc lòng chị phải quay lại Hà Nội" - người nhà bệnh nhân cho biết.

Đi TP.HCM chữa bệnh phải xin huyện, chờ huyện xin tỉnh

Chị V.T.B.L. (tỉnh Vĩnh Long) cho biết ba chị (ông V.V.S., 70 tuổi, bị ung thư), thông thường mỗi 1 hoặc 2 tháng đều phải lên TP.HCM tái khám, lãnh thuốc. Nhưng 2 tháng nay ông không thể ra khỏi tỉnh vì địa phương giãn cách xã hội để chống dịch.

Liên hệ địa phương xin đi khám bệnh, ông được hướng dẫn là phải xin chủ tịch huyện, chủ tịch huyện sẽ xin chủ tịch tỉnh xem xét.

Nếu được cấp giấy đi đường thì ông được ra khỏi tỉnh sau khi đã xét nghiệm COVID-19 và có kết quả âm tính. Khám bệnh xong, muốn về lại địa phương, ông và người chở ông đi phải xét nghiệm lại, có kết quả âm tính lần nữa, đồng thời phải đi cách ly tập trung 14 ngày tự trả phí.

Gia đình bàn tính đủ đường, cuối cùng vẫn không đưa ông đi khám được, một phần vì không lo nổi chi phí (phí thuê xe, phí cách ly cho ông và tài xế...), một phần vì sợ ông bị lây nhiễm chéo ở khu cách ly, chưa kể ông ăn ngủ kém không biết vào khu cách ly sẽ ra sao.

"Bí bách, gia đình gọi cầu cứu bác sĩ điều trị, bác sĩ nói cho ông đi xét nghiệm ở tỉnh rồi gởi kết quả cho bác sĩ coi. Nhưng loại xét nghiệm của ba tôi ở tỉnh lại không thực hiện, gọi nhờ người quen hỏi thăm các bệnh viện ở Cần Thơ cũng không có. Đánh liều nhờ người em ở TP.HCM cầm toa thuốc cũ đi mua cho ông rồi gởi bưu điện về, thuốc đặc trị trừ bệnh viện thì đâu có chỗ nào bán", chị L. than thở.

Trong khi đó, chị V.T.H. phản ảnh đến Tuổi Trẻ Online trường hợp người quen chị ở xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An, đi hóa trị từ Hà Nội về phải cách ly tập trung.

"Để phòng chống dịch, người nhà tôi chấp hành đi cách ly nhưng lo nơm nớp vì sợ bị lây chéo ở khu cách ly. Tôi nghĩ mãi không ra: người bệnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính, sao địa phương không linh hoạt cho họ cách ly tại nhà để họ có điều kiện tốt hơn để phục hồi sức khỏe sau đợt hóa trị?

Bệnh nhân sau hóa trị rất yếu, lỡ bị lây chéo ở khu cách ly thì ai chịu cho họ? Sao cứ "lùa" tất cả vô một chỗ mà không chịu khó xem xét từng trường hợp để có biện pháp phù hợp hơn?", chị nêu ý kiến.

Còn anh N.K.A. gửi đến tòa soạn câu chuyện của một phụ nữ ở Bà Rịa - Vũng Tàu: chị vô tình trở thành F1 và được yêu cầu đi cách ly tập trung. Vấn đề là chị có 2 con nhỏ, trong đó một bé mới 11 tháng còn đang bú mẹ. Chị đã có kết quả xét nghiệm âm tính, và nhà chị đáp ứng đủ điều kiện cách ly tại nhà nên đã xin được cách ly tại nhà để có thể chăm con, song không được giải quyết.

Chị khăn gói đi cách ly trong nỗi băn khoăn: nhiều nơi đã cho F1, thậm chí F0 cách ly tại nhà, sao khu vực chị ở vẫn không cho, mà buộc tất cả F1 đều phải đi cách ly tập trung - dù đó là mẹ cho con bú, cụ già trên 75 tuổi không thể tự chăm sóc - có hợp lý hay không?

Những chuyện dở khóc dở cười

Hôm 21-9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Công an tỉnh và các huyện thị để "sửa" hướng dẫn ban hành ngày 17-9 về điều kiện, thủ tục qua chốt kiểm soát dịch để vào tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 21-9 là hạn chót để người có nhu cầu hoàn tất mẫu giấy xác nhận với dấu của UBND xã phường nơi cư trú và xác nhận của cơ quan, đơn vị chủ quản, nhưng doanh nghiệp, tổ chức không hoàn thành kịp do yêu cầu ngày 17-9 của tỉnh Vĩnh Phúc là giấy xác nhận phải được "bảo quản trong bao đeo trong suốt, chữ đen trên nền vàng".

Mùa dịch thì lấy giấy xác nhận đã là rất khó khăn, lấy đâu ra giấy nền vàng chữ đen. Chưa kể nhiều nơi hạn chế đi lại, việc lấy xác nhận của UBND cấp xã phường nơi cư trú cũng không dễ. Vì thế tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn lại: không nhất thiết phải giấy nền vàng và xác nhận của địa phương nơi cư trú.

Chỉ thị 22 của TP Hà Nội áp dụng từ ngày 21-9 (khi Hà Nội gỡ giãn cách sau 2 tháng áp dụng chỉ thị 16) tiếp tục tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại nơi công cộng, nhưng ở đây chưa quy định rõ đó là hoạt động thể thao tập thể hay chỉ là cá nhân tập thể dục ngoài trời.

Chị N.L., người thường xuyên chạy bộ ngoài trời, cho biết công viên gần nơi chị sống đã ngưng cho phép chạy, đi bộ từ gần 3 tháng nay, phòng tập cũng không mở gần như cả năm nay, cả gia đình chị không có chỗ tập luyện nên rất bức bách, dù là đi một mình trên hè phố cũng có nguy cơ bị xử phạt.

Khi đang áp dụng chỉ thị 16, tạm dừng hết các nhu cầu "không thiết yếu" để chống dịch, điều này có thể lý giải.

Trong đêm Trung thu (21-9), người Hà Nội đã đổ xô ra đường thành những "biển người", dẫn đến lo ngại ảnh hưởng đến thành quả chống dịch, không có ai bị xử phạt. 

Nhưng ngay sau đó, Hà Nội đã xử phạt 4 phụ nữ đi bộ và dắt chó đi dạo ở bờ hồ Hoàn Kiếm do vi phạm quy định tạm dừng "hoạt động văn hóa, thể thao nơi công cộng".

Quy định về giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 mà hiện Hà Nội đang áp dụng, yêu cầu đối với các khu vực bên ngoài công sở, trường học, bệnh viện, không tập trung từ 10 người trở lên; tại các địa điểm công cộng người dân được yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Đến lúc này, rất nên hồi cứu xem đã có lây nhiễm từ thể dục cá nhân ngoài trời, từ đó có quyết định hợp lý hơn về việc có nên tiếp tục tạm dừng hoạt động thể thao của từng cá nhân, hay nên cho phép và yêu cầu giữ khoảng cách 2m như quy định?

Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của những người nhiễm COVID-19, mà ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe tinh thần của cả những người không nhiễm, nhiều người đang làm việc từ xa cho biết họ luôn gặp tình trạng uể oải, mỏi mệt, thiếu năng động và tích cực. 

Điều đó có thể ảnh hưởng nhiều đến năng suất lao động khi chúng ta mở cửa trở lại.